Truyện thiếu nhi có hình ảnh- blog truyện thiếu nhi

23:45 |
Truyện thiếu nhi -Blog tổng hợp mọi truyện thiếu nhi hay bao gồm truyện thiếu nhi có hình ảnh,audio...Nơi mà mọi người có thể nghe và đọc truyện thỏa mái.

Mời các bạn đón đọc tại blog của tui nhé.thanks
Read more…

Truyện thiếu nhi Việt Nam

19:49 |

Truyện thiếu nhi Việt Nam

Blog tổng hợp nhiều truyện thiếu nhi Việt Nam hay.Truyện được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau rất hấp dẫn cho các bé.Các bậc cha mẹ nên đọc cho con nghe hàng ngày vì điều này rất tốt cho các em, có thể giúp tâm hồn các em có những ước mơ trong sáng và sự phấn đấu rèn luyện đạo đức tốt hơn.

truyện thiếu nhi việt nam
Truyện thiếu nhi Việt Nam






1 .Cô gái thông minh

2. Chiếc áo tàng hình

3. Sự tích trầu, cau và vôi

4. Sự tích Hoa Trinh Nữ

5. Anh chàng chăn lợn

6. Nàng công chúa và hạt đậu

7. Bác nông dân và con quỷ

8. Bác nông dân và con quỷ

9. Con voi và người quản tượng già

10. Sự tích rước đèn Trung Thu!

11. 7 Con Quạ! - Truyện thiếu nhi

12. Liễu Hạnh công chúa

13. ĐÀN KIẾN ĐỀN ƠN

14. Gấu, Sư tử và Cáo

15. Trò đùa của nhền nhện

16. Nai và chó sói

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Read more…

Cô gái thông minh

03:13 |

Cô gái thông minh

 truyen thieu nhi - cô gái thông minh

Ngày xưa có hai anh em, một người thì nghèo, một người thì giàu. Người em nghèo đến cả cái bát ăn cơm, cái vá múc canh, cái chén uống nước cũng chẳng có. Một lần, người anh giàu có đột nhiên đến nhà người em nghèo khổ, đưa cho em một con bò sữa và nói:

- Chú hãy làm việc cho tôi ít nhiều, con bò sữa này sẽ là của chú!

Vì thế, người em nghèo đến làm việc cho người anh. Một thời gian sau, người anh đòi lại con bò:

- Đưa con bò lại cho tôi!

Người em không đồng ý:

- Anh ơi, vì con bò này, em đã làm việc cho anh mà!

- Chú làm cho tôi những gì ? Thật không đáng kể ra ! Thế mà chú hãy xem, đây là con bò như thế nào? Hãy trả lại bò cho tôi ! Hãy trả lại cho tôi!

Người em nghĩ: Không thể mất toi công sức được. Nói gì mình cũng không bằng lòng giao trả con bò. Thế là họ đến gặp một cụ già nhờ phân xử. Nhưng cụ già thì sao ? Cụ cũng không biết phải phân xử ra sao, cuối cùng cụ bèn nói với hai anh em:

- Ai trả lời đúng câu đố của ta thì con bò sẽ thuộc về người đó.

- Xin cụ hãy đưa ra câu đố, thưa cụ !

- Hãy nghe nhé: trên thế giới cái gì béo nhất, cái gì nhanh nhất, và cái gì đáng yêu nhất ? Ngày mai hãy cho ta nghe câu trả lời.

Hai anh em đi về. Trên đường về nhà, người anh giàu có nghĩ: Thực là lời mê sảng hoang đường, đây, thử đoán xem ông cụ đố gì ? Có gì có thể béo hơn con lợn của ông cụ ? Có gì có thể nhanh hơn con chó săn của ông cụ ? Có gì có thể đáng yêu hơn tiền bạc ? Con bò là của ta rồi!

Người em nghèo trở về nhà, nghĩ mãi mà vẫn không đoán ra. Anh có một người con gái tên là Masa, thấy cha mình về nhà với dáng nghĩ ngợi, cô hỏi cha:

- Bố ơi, bố có gì buồn bã thế? Ông cụ đã nói những gì ạ?

- Ông cụ đưa ra những câu đố như thế thật là bảo người ta vắt óc ra suy nghĩ.

- Câu đố gì hả bố?

- Trên thế giới cái gì béo nhất ? Cái gì nhanh nhất ? cái gì đáng yêu nhất?

- Chà, bố ơi ! các câu này dễ thôi mà ! bố cứ yên tâm nói giống lời của con là được.

Ngày hôm sau hai anh em lại đến chỗ ông cụ. Ông cụ hỏi:

- Thế nào, các anh đã đoán ra chưa?

- Chúng tôi đã đoán ra rồi, thưa cụ.

Người anh chạy đến trước, bật ra câu trả lời.

- Thưa cụ, béo nhất là con lợn nhà cụ, nhanh nhất là con chó săn của cụ, đáng yêu nhất là tiền bạc.

- Ấy, ấy, ấy ! nói bậy nào ! Nói bậy nào ! - cụ già kêu lên. - Ôi, đáp án của anh không đúng!

Lúc này người em mới lên tiếng:

- Cụ ơi, là như thế này, không có gì có thể béo hơn mẹ Đất, Người nuôi dưỡng vạn vật trên thế gian, lại đem vạn vật làm thức ăn cho con người.

- Đúng, đúng ! - ông cụ nói. - Thế cái gì nhanh nhất nào?

- Nhanh nhất là ý nghĩ của con người, ý nghĩ của con người có thể theo gió đến bất cứ nơi đâu.

- Đúng là như vậy. Còn cái gì đáng yêu nhất?

- Đáng yêu nhất là giất ngủ say. Bất cứ ai, một khi đã ngủ say đều có thể giũ bỏ tất cả.

- Hoàn toàn đúng! - Cụ già nói. - Con bò là của anh rồi ! Nhưng anh phải nói cho ta biết anh tự mình nghĩ ra hay đã có ai giúp đỡ anh?

- Thưa cụ. - Người em nghèo khổ nói. - Tôi có một đứa con gái tên Masa, chính nó đã bảo cho tôi điều đó.

- Có việc này ư? Ta thông minh như thế, còn cô ta chỉ là cô gái bình thường, thế mà lại đoán được câu đố của ta.

Cụ suy nghĩ và quyết định thử tài cô gái này. Cụ nói với người em:

- Đây là mười quả trứng gà chín, hãy đưa cho con gái anh, bảo cô ấy đem gà mẹ ấp qua một đêm phải nở ra những con gà. Sau đó đem những con gà đó nuôi lớn, rồi con gái anh hãy giết ba con quay chín mang đến cho ta ăn sáng. Sáng mai, trước khi ta ngủ dây, anh hãy mang đến đây. Ta sẽ đợi. Nếu như không làm được thì anh và con gái anh sẽ gặp rắc rối đấy!

Người em trở về nhà và ân hận vô cùng khi đã đến nhờ ông cụ phân xử dùm. Nghĩ tới sáng mai, anh bật khóc. Người con gái thấy, chạy ra hỏi:

- Bố ơi, sao bố lại khóc ? Lời giải đáp của con đã sai sao?

- Không phải. Chúng ta gặp rắc rối rồi con ơi ! Ông cụ đưa cho con mười quả trứng gà chín, con cần phải đem trứng cho gà mẹ ấp ra gà con, yêu cầu sau một đêm gà phải nở, lại phải nuôi lớn rồi giết ba con quay lên làm bữa sáng cho ông cụ.

Cô gái sau một hồi suy nghĩ rồi đem ra một chậu cháo nói:

- Bố ơi, bố hãy đem chậu cháo đến đưa cho ông cụ, bảo với ông cụ rằng ông cụ hãy đào một cái hố, đem chậu cháo trồng xuống đó, cây mạ mọc lên, khi lúa chín rồi hãy gặt lúa về, xát thành hạt gạo, nghiền vỡ ra rồi đem đến cho những con gà nở từ những quả trứng chín này ăn.

Người em nghèo mang chậu cháo chín đưa cho ông cụ già và đem những lời con gái nói với ông cụ.

Ông cụ nhìn đi nhìn lại chậu cháo, rồi đem chậu cháo ra cho con chó nhà mình ăn. Sau đó, ông cụ tìm một rễ cây gai đưa cho người em nghèo và nói:

- Hãy cầm rễ cây gai này đưa cho con gái anh, bảo nó ngâm thật kỹ rồi phơi nắng, đập tơi, đem dệt thành một trăm tấm vải, nếu như không làm được thì lời nói kia khó mà chấp nhận được.

Người em nghèo chạy về nhà, lại khóc. Con gái anh hỏi:

- Chuyện gì nữa vậy bố?

- Con nhìn đây, ông cụ đưa cho con một rễ cây gai, yêu cầu con ngâm vào nước rồi phơi nắng, đập kỹ và phải dệt ra một trăm tấm vải.

Masa suy nghĩ rồi lấy con dao chặt một cành cây nhỏ đưa cho bố nói:

- Bố ơi, hãy đem cành cây này đưa cho ông cụ, xin ông cụ hãy làm khung cửi dùng để dệt rễ gai này.

Người em nghèo cầm cành cây đến gặp ông cụ, đem những lời con gái nói lại với ông cụ. Ông cụ nhìn đi nhìn lại cành cây nhỏ, rồi ném nó đi, trong lòng thầm nghĩ: “Xem ra đây đúng là một cô gái thông minh”. Ông cụ rất muốn gặp mặt cô gái, nhưng lại nói với người em nghèo:

- Anh hãy quay trở về nói với con gái anh, bảo cô ấy đến làm khách nhà tôi sáng mai, nhưng phải nhớ là không được đi bộ cũng không đi xe, không đi chân không cũng không đi giày, không cần đem theo lễ vật nhưng không thể thiếu lễ vật. Nếu con gái anh không đến, chắc anh biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Người em nghèo lại trở về nhà trong tâm trạng buồn rầu. Đến nhà, anh đem lời nói của ông cụ nói với con. Nghe xong, sau một hồi suy nghĩ, Masa nói với cha:

- Bố ơi ! chớ có buồn, tất cả đều tốt. Xin bố đem về cho con một con thỏ sống.

Người em nghèo ra đi, đem về một con thỏ sống.

Sáng sớm hôm sau, Masa xỏ một chân vào đôi giầy rách, còn một chân đi không. Sau đó cô lại đem theo một con chim sẻ, tìm một cái xe trượt tuyết buộc vào con dê. Cô giấu con thỏ trong nách áo, con sẻ cầm trên tay, một chân để dưới đất, một chân đặt trên xe trượt tuyết - rõ ràng con dê đi bộ thay cô. Rồi cứ như thế, cô đi đến sân nhà ông già.

Từ xa, ông cụ đã nhìn thấy một cô gái đi đến bèn gọi người hầu bảo:

- Hãy thả hai con chó săn ra.

Hai con chó săn của ông cụ chạy tới chổ cô gái, cô nhanh nhẹn thả con thỏ ra, con chó thấy con thỏ liền bỏ cô gái chạy đuổi theo con thỏ. Lúc này cô gái đã đến trước mặt cụ già, cung kính vái chào ông cụ và nói:

- Thưa cụ, đây là lễ vật cháu biếy cụ. - Nói rồi cô đưa con chim sẻ cho ông cụ.

Ông cụ vừa đưa tay đón lấy thì cô gái buông tay, con chim sẻ lập tức bay vọt từ cửa sổ ra ngoài.

Ngay lúc ấy có hai người nông dân đến kiện nhau. Ông cụ hỏi họ:

- Các anh có việc gì thế?

Một người nói:

- Sự việc là như thế này cụ ạ. Hai chúng tôi cùng ở ngoài đồng qua đêm, sáng sớm thấy con ngựa cái của tôi đã đẻ ra một con ngựa con.

Người kia nói:

- Không đúng, đó là do con ngựa của tôi đã đẻ. Xin cụ hãy sáng suốt phân xử.

Nhớ tới cô gái đang đứng đó, ông cụ bèn bảo cô gái hãy thử phân xử việc này. Đứng nghe hai người nông dân nói này giờ, cô gái cũng đã nghĩ ra một cách nên liền nói:

- Hãy buộc con ngựa con lại, đưa con ngựa mẹ từ trên xe xuống, thả ngựa mẹ ra. Con ngựa mẹ nào chạy về với con ngựa con thì đó chính là con ngựa đã sinh ra con ngựa con.

Ông cụ nghe phải bèn làm theo lời cô gái. Kết quả là có một con ngựa mẹ chạy đến với con ngựa con, còn con ngựa kia thì đứng yên không động đậy.

Ông cụ thấy cô gái thật túc trí đa mưu nên rất nể phục, tiếp đãi rất chu đáo và khi ra về đã thưởng cho cha con cô thật hậu hĩnh.


Truyện cổ Czechoslovakia

 

Read more…

Chiếc áo tàng hình

03:10 |

Chiếc áo tàng hình

Ngày xưa ở vùng Cao Bằng có một chàng trẻ tuổi, nay đây mai đó làm nghề chài lưới, tên là Triều. Gia sản của anh không có gì ngoài bộ đồ nghề. Nhưng tính anh vốn hay thương người. Mỗi lần đánh được nhiều cá, anh thường đổi lấy gạo đem chu cấp cho những người túng thiếu mà anh gặp. Vì vậy người nghèo khổ trong vùng, ai cũng mến anh.

Ở Cao Bằng một thời gian, Triều lại dời sang đánh cá ở vùng Thái Nguyên. Ở đây, anh lại cứu giúp mọi người không tiếc sức. Một hôm, anh không được mẻ cá nào. Nhưng lúc về dọc đường, anh bỗng thấy một ông cụ đang nằm run rẩy dưới gốc cây. Động lòng thương, anh cởi ngay chiếc áo đang mặc đắp vào người ông cụ.

Bẵng đi một dạo, một hôm anh đang buông chài giữa sông, bỗng nghe trên núi cao có tiếng đàn văng vẳng. Anh dừng lại nghe một cách say sưa. Qua ngày hôm sau, anh lại được nghe tiếng đàn trên núi như hôm qua. Hôm sau nữa, cũng từ trên ngọn núi cũ, tiếng đàn quen thuộc lại bay đến tai anh. Lấy làm lạ, anh vội thu xếp đồ nghề của mình, rồi tìm đường trèo lên núi, quyết tìm cho ra người gảy đàn. Lần theo tiếng đàn, anh vạch cỏ rẽ lau tiến bước. Cuối cùng, đến một bãi rộng, anh thấy một cụ già đang ngồi trên phiến đá. Ông cụ mải mê gảy đàn không biết có người tới gần. Triều nhận ra khuôn mặt cụ già này rất giống với ông cụ nằm ở gốc cây hôm nọ. Chờ cho bản đàn dứt hẳn, anh đến trước mặt hỏi:

- Thưa cụ, cụ là ai mà ngồi đánh đàn ở đây?

Ông cụ ngước mắt nhìn anh một cách âu yếm, rồi chỉ vào một phiến đá trước mặt, bảo:

- Ta ngồi đợi con đây! Con trèo núi có mệt lắm không? Con hãy ngồi xuống đây nghỉ một tí.

Triều đỡ chén nước ở tay ông cụ, đã nghe ông cụ hỏi:

- Con có nhớ ta không?

- Có - Triều đáp ngay - Cụ có phải là người nằm ở gốc cây đa đầu làng hôm nọ không?

- Đúng - Ông cụ trả lời - Hôm nọ, con đành chịu mình trần để nhường áo cho ta. Tấm lòng này thật là ít có. Nay ta muốn đền cho con một chiếc áo khác.

Nói xong, cụ cởi chiếc áo đang mặc quàng vào mình Triều rồi biến mất.

Từ ngày được áo của Tiên cho, Triều mới biết đấy không phải là chiếc áo thường mà là một bảo vật, có phép làm cho người ta tàng hình. Mỗi lần mặc áo, không một ai nhận ra có anh ở trước mặt. Triều mừng quá, từ đấy anh đi chu du khắp nơi. Anh thường mặc áo rồi tìm đến nhà bọn giàu có, đường hoàng đi vào tận buồng chúng, lấy gạo tiền cho những người nghèo. Anh kín đáo trị tội những kẻ bất lương, bạc ác. Có những người vì quá cơ cực đang nằm lả bên vệ đường mà thở than thì bỗng thấy có những quan tiền trước mặt. Có những tên quan đang nọc người ra đánh giữa công đường thì chính hắn bỗng bị quất vào lưng đau quằn lên, nhưng ngoảnh lại thì vẫn không hề tìm thấy ai. Nhiều sự việc giống nhau xảy ra, làm cho lời đồn đại lan khắp cả một vùng. Người lo, kẻ mừng, nhưng ai cũng tin rằng Trời Phật đã có con mắt.

Cứ như thế Triều đi khắp nơi và giúp đỡ người cùng khổ. Một hôm, anh tìm đến đất kinh kỳ. Mặc áo vào, anh tha hồ đi đó đây cho thoả mắt. Hết vào nhà bọn quyền quý, anh lại vào cung cấm là nơi từ xưa không một người nào như anh dám bước chân đến. Thấy người nghèo khó nhan nhản khắp phố phường, anh lẻn vào kho tàng nhà Vua lấy của ra phân phát cho họ. Vì thế kho công luôn luôn bị hao hụt, nhưng không một ai tìm ra thủ phạm cả. Trong khi đó thì khắp kinh đô đồn ầm lên rằng có một vị Tiên thường cứu giúp những người đói khổ và trừng trị những tên gian tà. Ở đâu Tiên cũng có mặt, nhưng lại không "xuất đầu lộ diện" bao giờ.

Về phía Triều, anh vẫn ngày ngày làm công việc cứu giúp dân nghèo, coi đây là phận sự của mình, mà không hề băn khoăn đến chuyện báo đáp. Anh đã làm cho bọn giàu sang xiết bao sợ hãi, lo lắng khi thấy tiền của chúng tự nhiên không cánh mà bay, mặc dầu trong nhà ngoài ngõ đều có người canh gác cẩn mật.

Nhưng một hôm, sau khi trừng trị một tên quyền quý ỷ thế đánh người, anh vội lẻn ra khỏi nhà hắn ngay vì thấy kẻ hầu người hạ của hắn nghe tiếng động đổ xô tới rất đông. Giữa lúc vội vàng, anh vướng vào một chiếc gai tre ở bờ giậu làm cho chiếc áo toạc mất một miếng. Sợ rằng để vậy có thể bị lộ nên anh đã dùng một mụn giẻ vá lại. Sau đó, hàng ngày anh lại vào kho nhà Vua tiếp tục phận sự của mình.

Từ ngày thấy kho luôn bị hao hụt, nhà Vua hết sức lo lắng. Vua hạ lệnh cho bọn quan coi kho phải tìm bắt cho kỳ được tên trộm bí mật, nếu không sẽ trị tội không tha. Bọn này nhiều phen cố sức rình mò nhưng chỉ hoài công vô ích. Tiền bạc trong kho cứ vơi dần mà chúng vẫn không tìm ra dấu vết gì đáng kể. Sau cùng, chúng sai thửa một kiểu bẫy lưới rất nhạy để chụp vào những nơi mà chúng nghi ngờ.

Hôm ấy, bọn quan coi kho bỗng thấy có một con bươm bướm trắng ngoài cổng bay vào kho. Bướm bay đi dạo lại những đĩnh bạc trắng xoá, rồi bướm lại thủng thỉnh bay ra. Lập tức chúng chụp ngay lưới xuống chỗ có bướm. Và thế là Triều bị bắt. Chỉ vì miếng vải vá vào chiếc áo tàng hình khiến anh bị lộ. Bắt được Triều, bọn quan coi kho mừng lắm, liền giải anh lên Vua. Vua sai bỏ ngục để chờ xét xử.

Hồi ấy, có ông Vua một nước láng giềng từ lâu vẫn nuôi ngầm mưu mô đánh chiếm nước ta. Giữa lúc Triều bị hạ ngục, thì hàng vạn binh mã của nước láng giềng cũng đang ùn ùn kéo sang. Nhà Vua đã cho quân đội ra chống giữ, nhưng đánh trận nào thua trận ấy, không sao ngăn cản được kẻ địch tiến như vũ bão. Tình hình bỗng trở nên nguy ngập. Tin cấp báo từ biên giới một ngày đưa về không biết bao nhiêu chuyến ngựa trạm, làm cho kinh đô nháo nhác. Nghe được tin này, Triều liền bảo quan coi ngục tâu Vua cho mình được đi dẹp giặc cứu nước. Nhà Vua mừng quá, vội sai tháo xiềng cho anh, và gọi anh đến hỏi:

- Nhà ngươi cần bao nhiêu binh mã?

- Tâu bệ hạ - anh đáp, chỉ cần một mình tôi cũng có thể đuổi được giặc dữ. Chỉ xin bệ hạ cho tôi một thanh gươm.

Vua liền cởi gươm của mình trao cho Triều và phong anh là Hộ quốc tướng quân, Vua còn ra lệnh cho quân đội phải tuân theo lệnh anh.

Trước ngày lên đường, những người nghèo khổ nghe tin anh được tha và phong tướng đi đánh giặc, đều tìm đến cảm ơn và tình nguyện đi theo. Triều cho sắp xếp thành đội ngũ và cùng kéo nhau lên đường.

Lúc đến vùng quân giặc đang chiếm đóng. Triều mặc ngay chiếc áo tàng hình vào người đi thẳng vào trại giặc. Chỉ một lát sau, anh chém chết tên chỉ huy toán quân tiên phong. Bọn giặc mất tướng như rắn không đầu, bỏ chạy tán loạn. Những người đi theo Triều chỉ việc chia nhau đón khắp các nẻo tóm cổ đưa về. Đến những trại khác của giặc, Triều cũng làm như vậy. Không bao lâu cả đội tiên phong tinh nhuệ của giặc bị tiêu diệt và bị bắt sống, không sót một tên. Các đội quân khác còn lại kinh hoàng, cho là bên phía Đại Việt có vị thần thiêng trợ chiến nên bao nhiêu tướng tài của mình đều bị chém đầu. Thấy quân sĩ ngã lòng, tên Vua láng giềng đành hạ lệnh rút lui. Từ đấy biên giới lại vô sự. Khắp nơi ai nấy ca ngợi công lao của Triều.

Lúc Triều kéo quân khải hoàn, Vua khen ngợi anh hết lời. Vua phong cho anh làm quan đại thần, cắt đất đai huyện cho anh ăn lộc, lại gả con gái cho anh làm vợ. Từ đấy người ta quen gọi anh là Quan Triều. Ngày nay ở Cao Bằng có đền thờ Quan Triều.
 

Read more…

Sự tích trầu, cau và vôi

03:06 |

Sự tích trầu, cau và vôi

Ngày xưa, một nhà nọ có Tân và Lang là hai anh em ruột, đặc biệt dáng người và mặt mày giống nhau như đúc, đến nỗi chính người nhà cũng nhiều phen nhầm lẫn. Cha họ là một người cao to nhất trong vùng đã từng được vua Hùng triệu về Phong-châu ban thưởng và đặt tên là Cao. Từ đó gia đình lấy tiếng "Cao" làm tên họ. Hai anh em lớn lên thì cha mẹ nối nhau qua đời. Cả anh lẫn em quyến luyến nhau không chịu rời nửa bước. Người cha trước khi mất có gửi gắm Tân cho một đạo sĩ họ Lưu. Nhưng khi Tân đến theo học thì Lang không chịu ở nhà một mình, chàng cũng cố xin cùng được học với anh một thể. Nhà họ Lưu có một cô con gái cũng cùng lứa tuổi với họ. Để tìm hiểu người nào là anh người nào là em, một hôm cô gái họ Lưu bày ra một mẹo nhỏ. Giữa lúc họ đang đói, nàng chỉ dọn cho họ một bát cháo với một đôi đũa. Đứng sau khe vách, nàng thấy người này nhường cháo cho người kia ăn. Nàng lẩm bẩm: "à ra anh chàng vui tính kia là anh!". Từ đó giữa Tân và cô gái có nhiều cuộc gặp gỡ. Tình yêu giữa hai người mỗi ngày một khăng khít.

Thấy thế, đạo sĩ họ Lưu vui lòng gả con cho Tân. Sau khi cưới, hai vợ chồng đến ở một ngôi nhà mới, có Lang ở chung. Từ ngày lấy vợ, Tân tuy vẫn chiều chuộng em nhưng không âu yếm em như trước nữa. Trước kia Lang thường được anh chăm sóc nhưng bây giờ thì chàng có nhiều ngày cô đơn. Lang nhận thấy nhiều khi Tân muốn lánh mình. "Phải rồi, anh ấy mê vợ quên ta". Trong lòng Lang đầy chán nản buồn bực. Một hôm Lang và Tân cùng lên nương đến tối mịt mới về. Lang về trước. Chàng vừa bỏ chân lên ngưỡng cửa thì vợ Tân từ trong buồng chạy ra ôm chầm lấy mình. Lang kêu lên. Cái nhầm của chị dâu làm cho cả hai người cùng ngượng nghịu xấu hổ. Giữa lúc đó thì Tân bước vào nhà. Từ đây Lang lại biết thêm một tính tình mới của anh. Tân ghen em. Cái ghen càng tăng thêm sự hững hờ của Tân đối với chàng. Lang vừa giận vừa thẹn. Chàng muốn bỏ nhà ra đi cho bõ ghét. Một hôm trời mới mờ sáng, Lang quyết định khởi hành. Chàng cứ theo con đường mòn đi mãi, trong lòng đầy bực bội oán trách. Đi luôn mấy ngày đường, Lang tới bờ một con sông lớn. Thấy nước chảy xiết, chàng lấy làm ngại ngùng. Xung quanh không nghe qua một tiếng gà gáy chó sủa. Nhưng Lang quyết không chịu trở lại. Lang ngồi cúi gục trên bờ, ôm mặt khóc. Chàng khóc mãi, khóc mãi, đến nỗi những con chim đi kiếm ăn khuya vẫn còn nghe tiếng nức nở. Sáng hôm sau, Lang chỉ còn là một cái xác không hồn. Chàng đã hóa đá.

Tân thấy mất hút em thoạt đầu không để ý. Mãi sau vẫn không thấy em về, Tân bổ đi tìm các nhà quen nhưng cũng không thấy tăm dạng. Biết là em bỏ đi vì giận mình, chàng lấy làm hối hận. Hôm sau nữa, cũng không thấy về, Tân hoảng hốt để vợ lại nhà, cất bước đi tìm. Sau mấy ngày, chàng đã đến bờ một con sông rộng. Không có cách gì qua được, Tân đi men dọc sông, cuối cùng thấy em đã hóa thành đá. Tân đứng bên cạnh hòn đá khóc mãi cho đến lúc chỉ còn có tiếng nước cuồn cuộn chảy dưới bờ mà thôi. Tân chết và hóa thành một cây thân mọc thẳng lên trời, bên cạnh hòn đá. Vợ Tân chờ mãi không thấy chồng về, cũng bỏ nhà đi tìm. Nhưng cuối cùng con sông nọ cũng ngăn cản bước chân của nàng. Người đàn bà ấy ngồi lại bên cạnh cây, khóc cạn cả nước mắt. Và sau đó nàng chết hóa thành một cây dây quấn quanh lấy cây kia. Đợi mãi không thấy ba người về, vợ chồng đạo sĩ nhờ mọi người chia nhau tìm kiếm. Trước hòn đá và hai cây lạ, họ chỉ còn biết dựng miếu thờ cả ba người trẻ tuổi ở ven sông. Nhân dân quanh vùng gọi là miếu "anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa".

Về sau, một năm nọ trời làm hạn hán rất dữ. Mọi cây cỏ đều khô héo cả. Duy hai cây mọc bên cạnh hòn đá trước miếu là vẫn xanh mượt. Mọi người cho là linh dị. Vua Hùng một hôm ngự giá qua xứ đó. Khi đi qua trước miếu, vua hơi ngạc nhiên vì cảnh lạ cây lạ: "Miếu này thờ vị thần nào? Mấy loại cây này ta chưa từng thấy bao giờ? " Để trả lời câu hỏi của vua, Lạc tướng cho gọi mấy cụ già ở quanh vùng đến hỏi. Hùng Vương càng nghe, không ngăn được sự cảm động. Vua vạch lá trèo lên nhìn khắp mọi chỗ. Đoạn, vua sai một người trèo cây hái quả xuống nếm thử. Vị chát không có gì lạ. Nhưng khi nhai với lá cây dây thì một vị là lạ đến ở đầu lưỡi: nó vừa ngon ngọt, vừa thơm cay. Tự nhiên có một viên quan hầu kêu lên: "Trời ơi! Máu!" Mọi người giãn ra kinh ngạc. Thì ra những bãi nhai quả và lá của hai thứ cây đó một khi nhổ xuống đá bỗng đỏ ối ra như máu. Vua sai lấy cả ba thứ nhai lẫn với nhau thì bỗng thấy người nóng bừng như có hơi men, môi đỏ tươi, sắc mặt hồng hào tươi đẹp. Vua bảo:

- Thật là linh dị! Đúng là họ rồi! Tình yêu thương của họ thật là nồng nàn thắm đỏ. Từ đó vua Hùng ra lệnh cho mọi nơi phải gây giống cho nhiều hai loại cây ấy. Điều đáng chú ý là luật của nhà vua bắt buộc trai gái khi kết hôn thế nào cũng phải tìm cho được ba món: trầu, cau và vôi cho mọi người nhai nhai nhổ nhổ một tí để ghi nhớ tình yêu không bao giờ phai lạt. Vì thế từ đó dân Việt mới có tục ăn trầu.


 

Read more…

Sự tích Hoa Trinh Nữ

02:55 |

Sự tích Hoa Trinh Nữ

truyen thieu nhi - su tich hoa trinh nu

Thuở ấy, nhà nọ từng có hai kiếp đàn bà, cả hai kiếp đến lượt mình, đều chôn chân thờ chồng đi lính.
Hai người đàn ông lần lượt ra đi, nhưng người về thì chỉ một. Người chiến binh dũng cảm ấy về làng trong tiếng tiền hô hậu ủng, xênh xang trong mũ áo vua ban và làm vẻ vang cho dòng họ. Nhưng khi đón chồng, người đàn bà thứ hai khóc thầm: “Cân đai, mũ áo, bổng lộc vua ban… tất cả đều đẹp nhưng mái đầu ta và ông ấy tự lúc nào đã ngả sang màu sương!…”

Vậy nên, kiếp đàn bà thứ ba vừa lọt lòng và nhoe nhoe khóc, thì cả bà, cả bố và mẹ cô bé chắp tay: “Lạy Phật! Lại thêm một cái tội nữa. Nhưng lần này, chúng ta sẽ không gả nó cho bất kỳ một người lính nào đâu nhé. Hai đời, chúng ta đã đợi chờ đến bạc tóc, thế còn chưa đủ sao?”.

Cô bé lớn lên mơn mởn như nụ hồng. Từ nhỏ đến lớn cả nhà không cho cô được nói chuyện với bất cứ một người lính nào để cô giữ lời nguyền thuở trước.

Một buổi sáng, xa xa vẳng tới tiếng trống ngũ liên. Cô gái bước ra vườn, đến bên bờ giậu đẫm sương. Chàng trai nhà bên đang gấp gáp khăn gói lên đường. Vốn là đôi trẻ vẫn cũng nhau chơi trò “đố lá”, họ cùng nhìn nhau rồi cùng cúi mặt, lớp lông măng ngăm ngăm trên mép chàng trai khẽ rung. Tiếng trống thúc dồn. Chàng trai đánh bạo:

- Thế… có chờ… không?

- Sao không hỏi xem bông tầm xuân có nở trước khi mặt trời lên không? - Cô gái cắn môi, nước mắt lăn tròn trên má.

Và thế là mặt chàng trai đỏ đến tận chân tóc. Lâng lâng như vừa được chắp cánh, chàng bấm bụng: “Ta có thể ra đi, dù “da ngựa bọc thây”.

Cô gái trở vào, mắt ngấn nước và thẫn thờ như người ốm, trong tiếng trống ngũ liên xa xa thúc dồn. Vậy là cả nhà biết. Họ trách lẫn nhau, rồi hai người đàn bà ôm nhau khóc. Bà cô gái thắp ba nén hương khấn người chồng quá cố: “Ông ơi! Có lẽ cháu ông đúng, bởi tôi nghiệm rằng, nếu bây giờ ông sống dậy, lại ra trận, thì tôi vẫn chờ ông. Ôi! Cái kiếp đàn bà!…”. Mẹ cô gái nức nở: “Chỉ tại mẹ thôi, chính mẹ đã truyền cho con dòng máu “đợi chờ”! Con làm sao khác được!”. Ông bố cố gạt đi: “Thì cũng phải có một đứa con gái nào đó chờ thằng bé ấy chứ, cũng như ngày xưa, trong căn nhà này bà chờ tôi vậy! Bây giờ, chỉ còn biết mong sao thằng bé ấy trở về!”.

Nhưng thằng bé không sớm trở về. Chàng tân binh hăng hái giết giặc trong vài trận rồi ngôi sao chiếu mệnh mỉm cười với chàng ta, đấng quân vương vốn giỏi chọn người, vừa nhìn thấy chàng trai đã nhận ra ngay rằng đây là một tên lính hầu trung thành vô hạn. Thế là, ngài cho rút chàng trai về, ngày đêm cận kề bên ngài, một bước cũng không được rời xa. Khi còn giặc giã, vua cần chàng đưa vồng ngực vạm vỡ ra che làn đạn giặc, còn khi hết giặc, vua càng cần chàng hơn, để giữ gìn quyền uy tối hậu. Chàng là lưỡi kiếm “trừng phạt” tuyệt hảo, sẵn sàng giáng xuống đầu bất kỳ ai, theo lệnh đấng quân vương.
Đã mười bảy năm rồi, cô gái chờ người lính ấy. Từ một thiếu nữ như nụ hoa chớm hé, nàng đã trở thành một cô gái quá lứa nhỡ thì. Bà nàng, rồi cha mẹ nàng theo nhau lần lượt trở về cõi Phật. Trước khi nhắm mắt, họ đều gọi con gái đến bên giường dặn dò: “Mai ngày nếu sinh con gái…”. Cô gái lặng lẽ khóc khi bà và bố mẹ mất, lặng lẽ khóc khi người yêu của chúng bạn trở về hay tử trận và cuối cùng, lặng lẽ để tang người yêu năm xưa, vì đã mười mấy năm rồi, chàng biệt vô âm tín.

Thế rồi một buổi chiều có tiếng vó ngựa ghé sát bên thềm.

Bước xuống từ yên ngựa là một người đàn ông phong trần và nhìn mọi vật từ trên xuống qua ánh mắt lạnh lẽo như thép. Ngang lưng anh ta thắt chiếc đai vàng vua ban. Đó là phần thưởng sau khi anh ta lập được công đâm vào lưng người bạn cũ. Người bạn này đã cả gan ngăn vua khi ngài hạ lệnh chém một danh tướng. Ông này chỉ vì mắt kém mà trót dâng vua một quả táo bị sâu ăn. Sau bữa tiệc ngập máu ấy, vua đã cất nhắc anh ta và cho phép anh ta về thăm nhà sau mười mấy năm xa cách. Mười mấy năm qua, người lính đó vẫn không quên người yêu xưa. Giữa cuộc đời bụi bậm, giữa triều đình đầy mưu kế sâu độc, cô trinh nữ nhà lành cắn môi cố nuốt giọt nước mắt chia ly vẫn không mờ nhạt mà thật lạ kỳ, lại càng như vầng trăng xa thẳm gọi anh về.

Người con gái lỡ thì bước tới vài bước rồi sững lại. Nàng hoang mang tự hỏi, không biết đó có phải là chàng trai hàng xóm năm xưa rụt rè mãi mới dám hỏi: “Thế… có chờ… không?”. Nhưng khi người đàn ông ấy gọi tên nàng bằng giọng nói thân thuộc, nàng khóc, tiếng khóc nghe như ngàn mảnh thủy tinh rơi, vì nàng phải chờ đợi quá lâu, và người nàng chờ nay đã biến thành người đàn ông có cái nhìn lạnh lẽo như thép.

Làng xóm đua nhau chúc mừng nàng. Các ông làm nghề “gõ đầu trẻ” đem mối tình chung thủy của hai người rao giảng trong các lớp học. Thế là từ đấy có thêm nhiều cậu bé chỉ mơ về chiến trận. Mơ về một mai mình được hầu cận đấng quân vương. Còn những cô bé thì chỉ ao ước sao mai này lớn, được chờ người yêu đến khi lỡ thì!

Không chậm trễ gì, người ta làm lễ cưới cho đôi tình nhân chung thủy. Vua ban áo tím cho nàng trinh nữ lỡ thì và đám cưới trọng thể hết chỗ nói. Hoàng hôn xuống, cạnh chén rượu bên mâm cỗ, quan khách tròn xoe mắt nghe chú rể kể chuyện. Mười mấy năm hầu cận vua, anh ta đã quen tính kín miệng. Và chỉ bốc lên khi rượu đã ngà ngà. Nhưng anh không biết nói chuyện gì khác, ngoài chuyện chém giết. Anh kể về những bữa tiệc đầy sơn hào hải vị ngập máu trong thời bình và say sưa mô tả các kiểu chết của nhiều người khác nhau dưới tay kiếm của anh. Cuối cùng, vì sao vua đã ban cho anh ta chiếc đai vàng.

Người trinh nữ nghe chuyện của chồng mới cưới và nàng đứng không vững nữa. Lảo đảo, nàng lùi dần về buồng. Nép mình trên giường trong bóng tối, nàng như ngửi thấy mùi tanh lợm của máu, và trên mặt nàng như có làn môi lạnh toát của những oan hồn lướt qua. Nàng vùng dậy, run lật bật, vội vàng châm lửa lên tất cả các ngọn đèn dầu lạc mà nàng tìm được trong buồng. Ánh đèn chập chờn đỏ quạch càng làm nàng thêm sợ hãi.

Vừa lúc đó, có tiếng kẹt cửa. Thân hình to lớn của người chồng mới cưới chếnh choáng tiến vào. Theo thói quen, anh ta vẫn mang theo thanh kiếm. Nàng nhìn lên, và thấy anh không vào một mình. Theo liền sau anh là một người đàn bà trong veo, tóc xoã - chỉ có bộ tóc là còn màu sắc - mặc quần áo đại tang, đang cầm một tấm áo đẫm máu giơ lên và cất giọng đều đều một cách kỳ lạ, lặp đi lặp lại như không bao giờ dứt:

-Hãy trả chồng cho ta! Kẻ giết bạn kia, trước khi mi bước vào giường cưới! Hãy trả cha cho năm đứa con thơ dại của ta! Hãy trả…

Vậy mà chồng nàng không nghe thấy gì cả, anh dựng thanh kiếm vào vách, rồi xáp tới đặt tay lên ngực nàng. Ngay lúc đó, nàng nhìn thấy máu từ tấm áo trong tay người đàn bà xoã tóc rỏ xuống hai bàn tay người chồng mới cưới. Nàng ôm mặt rú lên kinh hãi:

- Ôi kìa, máu! Máu nhiều quá! Máu đỏ cả hai bàn tay!

Chồng nàng giật mình nhìn lại. Anh vẫn không thấy gì cả, ngoài những vết sẹo ngang dọc nơi bàn tay mình. Anh dỗ dành:


truyen thieu nhi su tich hoa trinh nu- Ồ! Can đảm lên, cô em ủy mị! Chẳng qua là vì em quá hồi hộp đó thôi! Đã bao ngày ta chờ phút giây này. Nào, hãy vui lên.

Anh nói vậy, nhưng miệng không cười và mắt vẫn lạnh như thép, cũng như từ ngày về đến giờ, chưa một ai nhìn thấy anh cười. Người trinh nữ bỏ hai bàn tay che mặt. Nàng không nhìn thấy người đàn bà tóc xoã nữa, nhưng trên khuôn mặt đang gần xuống mặt nàng, nàng chỉ thấy khóe miệng mím chặt và cái nhìn lạnh lẽo như cái nhìn của Thần Chết. Lại sợ hãi cuống quít, nàng van vỉ:

-Hãy mỉm cười đi anh! Em van đấy! Hãy cười lên để em thấy anh của ngày xưa. Bao năm chờ đợi, em đâu muốn anh buồn…

Người chồng cố hết sức để mỉm cười. Đã lâu lắm rồi anh không làm cử chỉ đó nên bây giờ anh không biết bắt đầu một nụ cười như thế nào. Khó nhọc lắm, anh mới nhớ ra rằng, khi cười người ta phải để lộ ít nhất là một hàm răng. Anh nhếch môi, để lộ hẳn hai hàm răng chắc khỏe.

Nhưng anh quên rằng, khi người ta cười, chính đôi mắt cười trước, cái miệng cười sau, thậm chí chỉ cười bằng mắt cũng đủ. Mà đôi mắt muốn cười, trước hết tâm hồn phải cười đã, cho nên cố gắng để mỉm cười, trông anh lại thêm vẻ dữ dằn đe dọa của một con sói. Ngay lập tức, vợ anh co rúm lại và quay mặt vào trong, thổn thức cố kìm tiếng khóc.

Người chồng buồn bã soi trong tấm gương cười, ngắm kỹ mình, rồi tuyệt vọng:

- Thôi, thế là hết, cả một đời chờ đợi! Em chối từ ta, em ghê tởm ta ư?

Anh rũ xuống thành giường, rồi gầm lên như một con thú bị thương:

- Tại sao em chờ ta cả đời, để rồi chối từ ta? Tại sao em bắt ta phải cười! Còn đâu nữa chàng trai với lớp lông măng trên mép ngày xưa! Ta đã trở thành “người đàn ông không cười” của triều đình, từ khi bàn tay này nhúng vào máu bạn bè, bên những bàn tiệc đầy sơn hào hải vị. Đấng quân vương sai ta giết hết những kẻ bất tuân thượng mệnh bằng các chiếc đũa. Trong mọi chiếc đũa nạm vàng nơi bàn tiệc đều có một lưỡi dao tinh tế giấu ở trong…

Anh nức nở, đôi vai rung lên dữ dội:

- Ôi! Bạn ta! Người bạn đã cùng ta tựa vào lưng nhau tìm hơi ấm chống đỡ cơn gió lạnh chiến hào. Thôi, thế là hết và đây là đêm tân hôn vĩnh biệt, phần thưởng cuối cùng cho người lính quá nửa đời phụng sự đấng quân vương.

Tiếng nức nở dữ dội của người chồng mới cưới rung chuyển cả căn phòng. Rồi xách kiếm trên tay, anh bỏ đi biệt xứ. Có người nói rằng anh đã đến tìm vua, định bắt vua phải đền tội đã biến anh thành người đàn ông không biết cười. Nhưng vua đã kịp giết chết anh trước, bằng chính một trong những chiếc đũa nạm vàng nơi bàn tiệc. Cũng có người bảo rằng anh lại lao vào những cuộc chém giết mới không ghê tay cho quên ngày tháng.
Chỉ còn lại nơi quê nhà người trinh nữ lỡ thì. Nàng sống âm thầm như cái bóng, mà không một lần nghĩ đến chuyện tự giải thoát bằng cái chết. Nhưng cái tật hễ có tiếng chân hay tiếng động mạnh là đưa tay lên ôm mặt thì nàng không sao bỏ được.

Một hôm, người xã trưởng được mời đến để làm giấy chứng tử cho nàng. Nàng chết mà hai tay che mặt, người khâm liệm nắn thế nào cũng không bỏ ra.

Vài ngày sau, trên mộ nàng rùm roà mọc một loài cây thấp lòa xòa mang hình tròn tim tím buồn man mác. Mỗi khi có chân bước qua hay va chạm mạnh, những chiếc lá lăn tăn lại giật mình khép lại, xuôi xuống như bàn tay ai che mặt.

Những loài hoa cỏ mọc đầy chung quanh lấy làm lạ lùng lắm về chuyện đó. Một hôm, chúng chặn chàng Gió lại:

- Này, anh Gió! Ở đây, không có ai già như anh và trẻ như anh. Vậy anh hãy nói cho chúng tôi biết vì sao loài cây mới đến kia, tầm thường đến vậy, lòa xòa bên vệ cỏ, khách bộ hành dễ dàng giẫm lên, có gì đặc biệt đâu mà phải gìn giữ, hơi một tí lại lấy tay che mặt, điệu đà làm vậy?

Từng trải như chàng Gió mà cũng không trả lời được.
Thế là một đêm thanh tĩnh, dịu dàng, muôn hoa cỏ đang mơ màng trong giấc ngủ êm đềm, chàng Gió lướt tới bên loài cây tầm thường ấy, khẽ hỏi:

- Này cô em bé bỏng! Sao em hay che mặt thế? Ở đây có ai chọc ghẹo em sao? Em hay e thẹn lắm à? Nếu không, tại sao người ta lại gọi em là cây trinh nữ?

Đắn đo một chút, rồi loài cây ấy nhẹ nhàng đáp:

- Không phải thế đâu, mặc dù chết đi, em vẫn là trinh nữ. Em che mặt vì sợ. Ngày nay người ta càng tranh giành nhau dữ hơn, những bàn tiệc ngập máu vẫn còn nhiều. Vậy nên, mỗi va chạm, mỗi bước chân tạt qua đều làm em giật thót mình. Em sợ người ta sẽ gửi đến cho em đôi bàn tay đầy máu và khuôn mặt người yêu xưa chẳng biết cười.

Cây trinh nữ chợt co mình lại vì vừa nghe tiếng chân qua. Đó là bước chân sóng đôi của một đôi trai gái đang đi trong sương mù. Trước khi cẩn thận khép những mắt lá lại, cây trinh nữ cầu khẩn: “Ôi! Lạy Phật! Cầu cho đây không phải là bước chân của những người phải tiễn nhau về nơi ấy…”.
Read more…

Anh chàng chăn lợn

02:39 |

Anh chàng chăn lợn

truyen thieu nhi - anh chang chan lon

Ngày xưa, có một hoàng tử rất nghèo chỉ có một giang sơn nhỏ hẹp. Tuy nhiên, giang sơn ấy nhỏ thì nhỏ thật, nhưng cũng đủ để cho chàng kén được một người vợ và lúc này chính là lúc chàng đang muốn tìm người làm bạn trăm năm.

Chàng rất sẵn sàng hỏi công chúa con hoàng đế : "Nàng có bằng lòng kết duyên với ta không ?" Chàng rất có thể làm thế, vì danh tiếng của chàng vang lừng khắp vùng và có thể đến hàng trăm công chúa nghe chàng hỏi như thế sẽ trả lời : "Vâng"

Nhưng đây lại là con gái hoàng đế ! Các bạn hãy nghe đầu đuôi câu chuyện :

Trên mộ vua cha mọc một cây hồng. Trời ! Cây hồng mới đẹp làm sao ! Cứ năm năm nó mới ra hoa một lần, lại chỉ mọc có một đóa, nhưng đó là một đóa hồng thơm dịu đến nỗi chỉ ngửi hoa thôi cũng đủ quên hết ưu phiền. Hoàng tử lại còn có một con họa mi hót hay tuyệt vời. Từ cái cổ họng nhỏ xíu của nó phát ra những khúc điệu thánh thót. Con gái hoàng đế nghe họ đồn vậy muốn có cả hoa hồng và họa mi. Hoàng tử bèn đặt cả hai thứ vào hai tráp bạc gửi biếu nàng.

Hoàng đế cho đem những thứ ấy đến cho ngài xem trong đại điện, nơi công chúa đang chơi trò tiếp khách với các cung nữ. Vừa nhìn thấy những tráp bạc, nàng vỗ tay hoan hỉ reo lên :

- Ước gì được con mèo con thì thú quá !

Nhưng người ta lại lôi cây hồng ra trước.

Các cung nữ rú lên :

- Ố ! Đẹp quá !

Hoàng đế nói :

- Đẹp, chưa đủ, phải nói là tuyệt mỹ mới xứng.

Nhưng công chúa chạy ra ngửi hoa và phụng phịu nói :

- Ồ ! Tâu phụ vương, hoa thật chứ không phải hoa giả !

Bọn nịnh thần phụ hoạ :

- Ôi chao ! Hoa hồng thật !

Hoàng đế phán :

- Hãy xem cái tráp kia đựng gì đã, rồi hãy bực mình cũng chưa vội.

Người ta mở tráp cho con họa mi ra. Nó cất tiếng ca thánh thót, hay không còn chê vào đâu được.

Bọn cung nữ nói bằng một thứ tiếng Pháp rất dở như họ thường dùng :

- Charmant ! Merveilleux ! (Dễ thương quá ! Tuyệt quá !)

Một lão nịnh thần tán :

- Con chim này làm hạ thần nhớ lại đến cái hộp đựng thuốc bào có máy hát của cố hoàng hậu, giống như hệt, từ giọng cho đến điệu.

- Đúng lắm ! Đúng lắm ! Hoàng đế nói rồi òa lên khóc như một đứa trẻ con.

Công chúa nói :

- Không thể tin đây lại là một con họa mi thật.

Những người đem chim đến vội tâu :

- Thưa đúng là chim thật đấy ạ !

- Thế thì cho nó bay đi thôi !

Và nàng kiên quyết không cho hoàng tử vào cung.

Nhưng chàng không hề nản lòng. Chàng lấy phẩm nâu và phẩm đen bôi lên mặt, kéo mũ sụp xuống tận mắt, giả vờ đi khập khiễng, bước vào trình diện và nói :

- Thánh thượng vạn tuế ! Cúi xin thánh thượng cho kẻ bầy tôi vào hầu hạ trong hoàng cung.

- Có nhiều người xin việc quá rồi. Nhưng ta cần một người chăn lợn, nhà ngươi có làm được việc ấy không ?

Hoàng tủ nhận chăn lợn. Người ta cho chàng một căn buồng tồi tàn gần chuồng lợn. Chàng cặm cụi suốt ngày và ngay tối đầu tiên chàng đã làm xong một cái nồi xin xắn có gắn đầy nhạc. Mỗi khi đặt nồi lên bếp, nhạc rung lên một điệu khúc cổ xưa của nước Đức.

Ach ! du lieber Augustin !
Alles ist vack, vack, vack !
( Ô này ! Augustin thân mến ơi ! mọi việc đều như ý, như ý, như ý! )

Nhưng kỳ diệu nhất là mỗi khi thò ngón tay vào đám hơi bốc ở nồi ra thì lập tức ngửi ngay thấy mùi tất cả các món ăn đang xào nấu trên tất cả các bếp trong kinh thành.

Nhất định là cái nồi ấy khác xa một bông hồng !

Công chúa cùng tất cả các cung nữ đi chơi qua nghe thấy tiếng nhạc, dừng lại nghe và mê tít, vì nàng cũng biết chơi bản nhạc ấy.

Ach ! du lieber Augustin !

Nhưng phải nói thật: nàng chỉ biết chơi có mỗi một câu ấy, và chỉ biết đánh đàn kiểu mổ cò thôi. Công chúa thốt lên :

- Chính là cái điệu khúc ta đã thuộc. Tên chăn lợn chẳng phải là người ngu đần đâu. Hãy vào hỏi hắn ta xem cái đàn của hắn ta đáng giá bao nhiêu tiền.

Một cung nữ chui vào chuồng lợn, trước khi vào chuồng không quên đi guốc, rồi hỏi :

- Cái nồi này anh lấy bao nhiêu tiền ?

- Tôi lấy mười cái hôn của công chúa.

Cung nữ kêu lên :

- Trời ơi là trời !

- Không lấy kém đâu.

Côn chúa hỏi:

- Hắn ta bảo sao ?

Cung nữ đáp:

- Con chẳng dám nhắc lại đâu. Khiếp lắm !

- Nói thầm cho ta hay vậy.

Người cung nữ tuân lệnh.



- Quân thô tục.

Công chúa kêu lên và bỏ đi. Nàng đi chưa được mười bước, nhạc lại bắt đầu thánh thót ngân vang:

Ach ! du lieber Augustin !
Alles ist vack, vack, vack !

- Chạy lại hỏi hắn ta có bằng lòng nhận mười cái hôn của các cung nữ không ?

Chàng chăn lợn trả lời:

- Không, xin cảm ơn ! Mười cái hôn của công chúa kia, không thì xin cứ để nồi đấy cho tôi.

Công chúa nói:

- Bướng bỉnh thật ! Thôi đành, các người đứng vây lấy ta, đừng để ai trông thấy.

Các cung nữ quây tròn lại và căng váy ra. Chàng chăn lợn được mười cái hôn, còn công chúa thì được cái nồi.

Mọi người đều vui sướng. Người ta đem cái nồi ra chơi suốt buổi tối. Không còn một bếp nào trong kinh thành giữ bí mật được nữa. Từ quan thị vệ cho đến các thợ giày, ai ăn gì họ đều biết cả. Các cung nữ thích quá, vừa vỗ tay vừa nhảy cẫng lên.

- Chúng mình biết hết: ai sẽ là người ăn xúp với hạnh nhân hay trứng tráng, ai là người sẽ ăn thịt quay và món bột nấu với sữa. Tuyệt thật !

- Đúng thế. Quan giám thị trong cung phụ hoạ.

Công chúa dặn thêm :

- Cốt nhất là không được bép xép gì vì ta là con gái hoàng đế, nghe chưa ?

Tất cả các cung nữ đồng thanh:

- Trời sẽ giữ mồm giữ miệng cho chúng con !

Chàng chăn lợn, tức là hoàng tử mà mọi người tưởng là một anh chăn lợn chính cống, không để một ngày giờ trôi qua mà không sáng chế ra một thứ gì mới.

Chàng gọt được một cái Cơrêxen rất xinh. (Crécelle : một thứ nhạc cụ bằng gỗ hình tròn, có các thanh gỗ to nhỏ, khi quay có một cái cần đập vào các thanh gỗ phát ra tiếng)

Khi quay, cái Cơrêxen ấy phát ra nào là điệu valse, nào điệu phi ngựa, điệu ponka, tóm lại, đủ các điệu nhảy trên đời.

Công chúa đi qua, phải thốt ra :

- Hay quá đi mất ! Ta chưa từng được nghe thứ nhạc mê ly ấy bao giờ. Vào hỏi hắn ta xem cái vật ấy đáng giá bao nhiêu; nhưng lần này thế nào thì thế, ta cũng không hôn hắn đâu đấy.

Người cung nữ vào hỏi rồi trở ra trả lời :

- Lần này anh ta đòi một trăm cái hôn.

Công chúa nói :

- Điên ! - và nàng bỏ đi.

Nhưng đi chưa được mười bước công chúa đã dừng lại phán :

- Phải khuyến khích nghệ thuật. Ta là con gái Hoàng đế. Vào bảo hắn là ta sẽ ban cho hắn mười cái hôn như hôm qua, còn bao nhiêu thì cung nữ của ta sẽ hôn cho đủ số.

Cung nữ giẫy nẩy:

- Hôn cái anh chàng thô lỗ ấy à ?

Công chúa nói:

- Thì đã làm sao ? Đến ta đây cũng còn hôn được huống chi các ngươi là bề tôi do ta nuôi cho ăn và trả tiền !

Người cung nữ lại quay vào chuồng lợn. Chàng chăn lợn khăng khăng :

- Một trăm cái hôn của công chúa, không thì ai giữ lấy của người ấy.

Công chúa truyền:

- Đứng quây lấy ta.

Các cung nữ đứng lại thành vòng tròn và chàng chăn lợn bắt đầu hôn.

Hoàng đế đang đứng trên bao lơn trông ra, tự hỏi :

- Có chuyện gì gần chuồng lợn thế kia ?

Ngài dụi mắt và đeo kính vào.

- À! Bọn cung nữ đùa nghịch. Phải ra xem bọn chúng đùa nghịch gì mới được! Hoàng đế đi giày băng túp vào, xuống thang gác rõ nhanh.

Xuống đến sân, ngài rón rén lại gần. Thật ra làm thế cũng bằng thừa vì các cung nữ còn đang mải đếm từng cái hôn để gã chăn lợn khỏi hôn quá số được hưởng.

Họ không biết có hoàng đế đi tới. Ngài kiễng chân nhìn vào và kêu lên :

- Thế này là thế nào ?

Rồi ngài rút giày băng rúp quật bọn cung nữ túi bụi.

Chàng chăn lợn đang hôn đến cái thứ tám mươi sáu thì hoàng đế cáu tiết hét:

- Cút ngay !

Thế là chàng chăn lợn và công chúa bị đuổi ra khỏi vương quốc.

Trời mưa như trút nước. Công chúa òa lên khóc.

Nàng than vãn:

- Khổ thân cho tôi ! Sao tôi chẳng lấy chàng hoàng tử đáng yêu có hay hơn không ?

Chàng chăn lợn chạy nấp sau một gốc cây, lau sạch phẩm nâu và phẩm đen trên mặt, cởi bỏ bộ quần áo xấu xí ra, trở lại chỗ công chúa trong bộ quần áo hoàng tử của mình và nói :

- Ta đến đây cốt để nói cho công chúa biết là ta rất khinh công chúa. Công chúa không muốn yêu một hoàng tử thật thà phúc hậu, công chúa không hiểu giá trị của bông hồng lẫn họa mi, nhưng vì một vật nhỏ mọn mà công chúa hôn một tên chăn lợn ! Cho đáng kiếp !

Chàng lập tức quay về nước mình, vào nhà và khóa chặt cửa lại. Công chúa đến trước cửa nhà chàng hát mãi:

Ach ! du lieber Augustin !
Alles ist vack, vack, vack !

Nhưng chẳng có hiệu quả.

Hoàng tử chẳng mở cửa.
Read more…